Cho vay ngoại tệ: Giám sát bằng nhiều công cụ chính sách

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
21/05/2016 9:30:14 SA
BẢO TRỢ

Cho vay ngoại tệ: Giám sát bằng nhiều công cụ chính sách

NH phải giám sát chặt chẽ dòng tiền của DN, đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích.

DN chưa sẵn sàng nhập cuộc?!

Theo quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, kể từ ngày 31/3/2016, các DN thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu sẽ không được vay vốn bằng ngoại tệ. Mặc dù quy định trên đã được gia hạn một lần, nhưng khi chính thức được triển khai thì dường như thị trường vẫn chưa sẵn sàng. Các DN đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Không được vay ngoại tệ nữa đồng nghĩa với việc họ phải vay tiền đồng.

Các DN cho rằng, chênh lệch lãi suất không chỉ làm tăng chi phí, giảm đi sức cạnh tranh của các DN mà còn tiếp tục tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi các DN này thường được vay vốn giá rẻ từ NH nước họ... Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có công văn gửi NHNN. Cơ quan này nhấn mạnh đến sự cần thiết tháo gỡ khó khăn cho DN.

VASEP cho biết, hiện nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đã phá giá nội tệ để hỗ trợ khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn…

 
Nếu NHNN đồng ý tiếp tục cho đối tượng DN sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu vay ngoại tệ, thì vẫn cần phải có chọn lọc

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo NHNN cũng phân tích rõ lý do ban hành quy định trên: Trước đây, trong tình hình kinh tế khó khăn, để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã cho phép được vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Sau đó DN xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ. Nhưng khi kinh tế tăng trưởng trở lại, NHNN nhận thấy đây là thời điểm cần thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đã có một số DN vay USD nhưng không dùng ngoại tệ trả cho đối tác nước ngoài mà chuyển sang tiền đồng hưởng chênh lệch lãi suất.

Là người trong cuộc, Tổng giám đốc một NHTMCP thừa nhận hiện tại các DN xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là DN xuất khẩu da giày… Chính vì thế, NH đã, đang tìm các giải pháp tài chính tốt nhất hỗ trợ DN xuất khẩu. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay DN xuất khẩu thấp hơn so ngành khác 1-2%/năm. NHTM còn đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ như cho vay đồng VND với lãi suất USD với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ…

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng làm như vậy là NHTM “lách” quy định về cho vay ngoại tệ. Theo lý giải của vị CEO này, việc suy đoán trên là chưa chính xác. Thực tế các NH có thể sử dụng sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ đối với DN vay vốn. Sản phẩm này xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng ít khi được  dùng đến.

Có thể DN ở thời điểm vay chưa có ngoại tệ do họ phải chờ xuất hàng đi. Nhưng trong tương lai họ có nguồn thu ngoại tệ nên hoàn toàn có thể bán kỳ hạn cho NH. Khi tham gia sản phẩm này, DN sẽ giảm được chi phí do lãi suất thấp. Song, DN có thể bị thiệt nếu tại thời điểm bán ngoại tệ, tỷ giá VND/USD tăng so với lúc vay.

Nếu mở sẽ phải chọn lọc

Cái khó ló cái khôn. Các NH phải tìm cách để hỗ trợ cho khách hàng, tất nhiên là trong giới hạn được phép. Song, nếu chỉ dừng lại ở giải pháp đơn lẻ thì sự hỗ trợ chưa thể lan rộng.

Khẳng định chính sách chống đô la hóa của NHNN là hoàn toàn đúng, nhưng theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, bao giờ trong hoạt động kinh tế, những bước chuyển quá đột ngột có thể gây ra những phí tổn, từ thói quen, quy trình cơ chế liên quan đến cách thức làm ăn của DN. Cho nên TS. Thành không ngạc nhiên khi các DN tiếp tục kiến nghị NHNN cho phép được vay ngoại tệ, nhưng ông cho rằng, có thể, NHNN nên linh hoạt xem xét đến kiến nghị này.

Sự linh hoạt ấy, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình chuyển đổi còn là phép thử đối với thị trường. Đối với DN xuất khẩu Việt Nam, giá thành đầu vào quyết định sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thế giới. Nếu DN xuất khẩu Việt Nam vẫn vay với lãi suất như cho vay bất động sản, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Đặt tình huống nếu NHNN đồng ý tiếp tục cho đối tượng DN sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu vay ngoại tệ, thì theo TS. Thành vẫn cần phải có chọn lọc. Nhưng khi đã mang tính chọn lọc thì lại không loại trừ khả năng xảy ra cơ chế xin - cho. Mặt khác, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên liên quan đến tổng thể thị trường, cán cân thanh toán quốc tế...

Vì vậy, một số chuyên gia đề xuất NH nên công khai minh bạch, đơn giản quy trình thủ tục để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của DN. Nhất là phải giám sát chặt chẽ dòng tiền của DN, đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích. NHNN giám sát qua việc yêu cầu các NHTM nghiêm túc báo cáo số liệu hàng ngày.

Đối với vấn đề này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN có thể giám sát gián tiếp việc cho vay ngoại tệ thông qua các quy định về dự trữ bắt buộc, trạng thái ngoại hối, thanh khoản ngoại tệ… đồng thời tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của các NHTM trong vấn đề cho vay bằng ngoại tệ.

Về quản lý, TS Nguyễn Trí Hiếu quan tâm đến các quy định kiểm soát trước đối với hoạt động cho vay này. Nếu NHNN chấp thuận sửa đổi, thì nên đưa ra quy định cụ thể về loại DN được điều chỉnh. Có thể đưa ra một số ngành nghề thực sự quan trọng cho phát triển đất nước, cần được hỗ trợ chứ không áp dụng cho tất cả DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu…
 
Theo Thời Báo Ngân Hàng




 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi