Doanh nghiệp BĐS bức xúc về danh sách 77 dự án thế chấp

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
26/07/2016 11:40:07 SA
BẢO TRỢ

Doanh nghiệp BĐS bức xúc về danh sách 77 dự án thế chấp

Ngay sau khi danh sách các dự án bất động sản (BĐS) đang thế chấp tại các ngân hàng được công bố, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt vì thông tin mà Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đưa ra là chưa đầy đủ, gây tâm lý hoang mang không đáng có cho người mua nhà và ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Danh sách chưa cập nhật
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng số liệu Sở TN-MT TPHCM đưa ra là chưa cập nhật đầy đủ. Cụ thể, trong danh sách có trên 150 khách hàng chưa được Novaland giao sổ hồng nhưng thực tế, những khách này đã dọn vào ở và đã được cấp sổ.

“Số khách chưa được cấp sổ hồng là những người vừa mới mua, hồ sơ đã được chúng tôi nộp lên sở ban ngành theo đúng lộ trình”, ông Huy bày tỏ.

Ông Huy cho rằng cách đưa thông tin cô đọng và chưa đầy đủ như trên làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp do người mua nhà chỉ cần biết doanh nghiệp có tên trong bảng danh sách này là hoang mang, nghi ngại. Tuy vậy, theo ông Huy, một doanh nghiệp có uy tín, làm ăn đàng hoàng thì cũng không khó giải thích với khách hàng việc thế chấp dự án. Hiện khách hàng sẽ không chỉ hỏi doanh nghiệp mà còn hỏi cả những người hàng xóm xung quanh, nếu những người này đã nhận nhà, sổ hồng đầy đủ, khách hàng sẽ an tâm và tin tưởng hơn.

Tương tự, ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Hòa cho biết, hiện dư nợ vay để thực hiện dự án The Art của Công ty Gia Hòa tại ngân hàng VietBank là 0 đồng, nhưng vẫn có tên trong danh sách trên.

“Hiện dự án của Gia Hòa đã được VietBank nhận thế chấp để bảo lãnh việc hoàn thành dự án, bán nhà trong tương lai, chứ Gia Hòa không vay vốn tại VietBank”, ông Mạnh bức xúc.

Ông Mạnh cho biết, sau khi danh sách trên được công bố, nhiều khách hàng đã liên hệ với công ty để chất vấn. Theo ông Mạnh, việc công bố thông tin các doanh nghiệp đang thế chấp dự án ở ngân hàng để minh bạch thị trường là cần thiết, nhưng phải phân loại và giải thích rõ mục đích thế chấp để tránh gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cũng có ý kiến rằng, theo đúng luật kinh doanh BĐS, chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn khi có sự bảo lãnh của ngân hàng nhằm đảm bảo việc bán nhà hình thành trong tương lai. Thực tế, chỉ các doanh nghiệp có uy tín, dự án có tính thanh khoản tốt thì mới được ngân hàng đứng ra bảo lãnh.

Theo khảo sát, TBKTSG Online cũng ghi nhận nhiều trường hợp người mua nhà tự thế chấp căn hộ đã mua nhưng dự án lại được đưa vào danh sách này. Chẳng hạn, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng không có dự án nào đang mở bán đem thế chấp ngân hàng, mà thực tế, 8 khách hàng tự thế chấp căn hộ đã mua lại được đưa vào danh sách.

Chủ đầu tư có quyền bán căn hộ đang thế chấp?
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho rằng việc chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ đã thế chấp, chủ đầu tư phải tiến hành giải chấp; hoặc chủ đầu tư phải được ngân hàng cho vay đồng ý và thỏa thuận với khách hàng thì mới có quyền bán.

“Dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê với điều kiện ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận và khách hàng đồng ý”, ông Trạch cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Trạch, người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để tránh rủi ro.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết hiện các chủ đầu tư dự án phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng. Theo ông Châu, các ngân hàng thương mại cần có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.

Ông Châu cũng cho rằng Sở TN-MT khi công khai danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp của chủ đầu tư (để phát triển dự án, để xây dựng công trình nhà ở trong dự án, hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng...) để người dân nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Sở TN-MT: “Thiếu thông tin để phân loại dự án”
Trả lời TBKTSG Online, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN-MT TPHCM cho biết, 77 dự án mà Sở TN-MT vừa công bố là những dự án đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh, bán hoặc cho thuê nhà.

Đối với các dự án đang thế chấp ngân hàng nhưng chưa đến giai đoạn huy động vốn thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ không công bố để bảo đảm bí mật kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trước ý kiến cho rằng nên phân loại và giải thích rõ mục đích thế chấp, ông Liên cho rằng, hiện Sở TN-MT cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin này.

“Thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng chủ yếu lấy từ đơn đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc hợp đồng thế chấp nhưng mục đích thế chấp và khoản tiền vay là bí mật kinh doanh của ngân hàng nên Sở TN-MT không thể đưa vào được”, ông Liên nói.
Ông Liên cho rằng, các ngân hàng thương mại phải là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý dòng tiền cho vay. Nếu đến thời điểm bàn giao nhà mà chủ đầu tư không thực hiện được thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Hiện Sở TN-MT chỉ biết doanh nghiệp thế chấp dự án để đầu tư, còn việc doanh nghiệp đó sử dụng tiền vay thế nào, có đúng mục đích hay không thì sở không thể nắm rõ và kiểm soát hết được.

Hơn nữa, danh sách này được cập nhật vào ngày 8-6, từ đó đến nay cũng đã có nhiều căn hộ được giải chấp, nên mới xảy ra trường hợp doanh nghiệp bức xúc.

Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp và Sở Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xem tiến độ xây dựng và bàn giao nhà đến đâu để công bố, đưa lại thông tin minh bạch nhất cho người mua nhà. Ông Liên cũng nhấn mạnh, Sở TN-MT sẽ công bố lại thông tin ngay khi dự án có căn hộ được giải chấp.
Theo TBKTSG
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi